TUYẾN YÊN

►Đặc điểm cấu tạo và mối liên hệ với vùng dưới đồi
►Các hormon thuỳ trước tuyến yên
►Các hormon thuỳ sau tuyến yên

►Rối loạn hoạt động tuyến yên

1. Suy giảm tuyến yên toàn bộ

Thuật ngữ suy giảm tuyến yên toàn bộ được dùng để chỉ tình trạng giảm bài tiết tất cả các hormon tuyến yên. Tình trạng này có thể do nguồn gốc bẩm sinh cũng có thể do mắc phải sau này.

1.1. Bệnh lùn tuyến yên

Hầu hết các trường hợp lùn đều do thiếu hormon tuyến yên trong thời kỳ niên thiếu. Nhìn chung cơ thể phát triển cân đối nhưng mức độ phát triển thì giảm rõ rệt, đứa trẻ  10 tuổi chỉ bằng đứa trẻ 4-5 tuổi, người 20 tuổi chỉ bằng đứa trẻ 7-10 tuổi.

Người lùn tuyến yên không có dậy thì và hormon hướng sinh dục không được bài tiết đủ do vậy chức năng sinh dục không phát triển như người trưởng thành bình thường. Có khoảng một phần ba những người lùn loại này chỉ giảm bài tiết GH do vậy chức năng sinh dục vẫn  phát triển và vẫn có khả năng sinh sản.

1.2. Bệnh suy tuyến yên ở người lớn

- Suy tuyến yên toàn bộ ở người lớn thường do một trong ba nguyên nhân sau:

+ U sọ hầu (craniopharingioma).
+ U tế bào không bắt màu ở tuyến yên (chromophobe tumor).
+ Tắc mạch máu tuyến yên, đặc biệt hay xuất hiện ở các bà mẹ sau sinh con.
- Các biểu hiện của suy tuyến yên ở người lớn là biểu hiện của:
+ Suy tuyến giáp.
+ Giảm bài tiết hormon chuyển hoá đường của vỏ thượng thận.
+ Giảm bài tiết các hormon hướng sinh dục dẫn tới giảm hoặc mất chức năng sinh dục.

Hình ảnh chung của bệnh là một tình trạng lờ đờ, chậm chạp do thiếu hormon tuyến giáp; tăng cân do thiếu tác dụng thoái hoá mỡ của hormon GH, ACTH, vỏ thượng thận và hormon tuyến giáp; mất tất cả chức năng sinh dục.

Ngoại trừ chức năng sinh dục, các rối loạn khác có thể được điều trị khỏi nhờ hormon tuyến giáp và vỏ thượng thận.

2. Bệnh khổng lồ

Nguyên nhân gây bệnh là do các tế bào bài tiết GH tăng cường hoạt động hoặc do u của tế bào ưa acid. Kết quả là hormon GH được bài tiết quá mức. Tuy nhiên bệnh khổng lồ chỉ xuất hiện khi tình trạng này xảy ra vào lúc còn trẻ (trước tuổi trưởng thành).

Biểu hiện của bệnh là tình trạng phát triển nhanh và quá mức của tất cả các mô trong cơ thể bao gồm cả xương và các phủ tạng làm cho người đó to cao quá mức bình thường nên được gọi là người khổng lồ.
Những người khổng lồ thường bị tăng đường huyết và khoảng 10% có thể bị bệnh đái tháo đường.

Hầu hết các bệnh nhân khổng lồ thường chết khi còn trẻ trong tình trạng suy tuyến yên toàn bộ vì phần lớn nguyên nhân gây khổng lồ là do u tế bào bài tiết GH, khối u này càng phát triển thì càng chèn ép vào các tế bào bài tiết các hormon khác của tuyến yên. Tuy nhiên nếu được chẩn đoán kịp thời, bệnh nhân có thể được ngăn chặn bằng vi phẫu thuật bóc tách khối u hoặc tia xạ.

3 Bệnh to đầu ngón

Nếu u tế bào ưa acid xảy ra vào sau tuổi trưởng thành nghĩa là xảy ra khi các sụn ở đầu xương đã được cốt hoá thì bệnh nhân sẽ không có biểu hiện khổng lồ nhưng các mô mềm vẫn phát triển và các xương đặc biệt xương dẹt và xương nhỏ có thể dày lên.

Bệnh nhân bị bệnh này sẽ có hình ảnh đầu to, hàm nhô ra, trán nhô ra, mũi to, môi dày, lưỡi to và dày, bàn tay to, bàn chân to, phủ tạng to, đôi khi có cả sự biến dạng cột sống làm lưng gù.

4. Bệnh đái tháo nhạt

Tổn thương vùng dưới đồi hoặc thuỳ sau tuyến yên sẽ làm giảm lượng bài tiết ADH. Triệu chứng chính của bệnh là đái nhiều nhưng nồng độ các chất điện giải trong nước tiểu lại rất thấp nên bệnh được gọi là bệnh đái tháo nhạt.