ĐẶC ĐIỂM HÌNH THÁI - CHỨC NĂNG CỦA BỘ MÁY HÔ HẤP

►Đường dẫn khí
►Phổi - phế nang và màng hô hấp
►Lồng ngực

►Màng phổi và cơ chế tạo áp suất âm trong khoang màng phổi

1. Màng phổi và khoang màng phổi

- Màng phổi có hai lá tạo bởi mô liên kết xơ mỏng và được lợp bởi một lớp trung biểu mô, có nhiều mao mạch máu và mao mạch bạch huyết.

- Lá thành bao mặt trong thành ngực và cơ hoành chi phối bởi dây thần kinh hoành và thần kinh liên sườn.

- Lá tạng bao mặt ngoài phổi chi phối bởi thần kinh giao cảm và phó giao cảm.

- Hai lá áp sát và liên tục với nhau ở rốn phổi tạo thành khoang ảo màng phổi... Tràn dịch, tràn khí màng phổi.. làm cho hai lá tách rời nhau tạo thành khoang thực chứa khí hoặc dịch.

 

2. Cơ chế tạo áp suất âm

- Áp suất trong khoang màng phổi khi nghỉ ngơi có giá trị khoảng 756mmHg thấp hơn áp suất khí quyển (760 mmHg) nên gọi là áp suất âm.

-Cơ chế tạo áp suất âm:

+ Nhu mô phổi có tính đàn hồi lớn, luôn có xu hướng co nhỏ về phía rốn phổi

+ Lồng ngực là một hộp cứng kín, kém đàn hổi. Ở thì hít vào phổi bị căng giãn sẽ có xu hướng co về phía rốn phổi, lồng ngực tăng kích thước. Lá thành và lá tạng có xu hướng tách nhau làm thể tích khoang màng phổi tăng lên, áp suất khoang ảo đã âm lại càng âm hơn. Càng hít vào  áp suất càng âm, khi hít vào hết sức có thể xuống tới -30 mmHg, khi thở ra hết sức còn khoảng -1 mmHg.Ở thì thở ra, phổi thu nhỏ lại thì lực đàn hồi giảm xuống và áp suất bớt âm hơn, giảm bớt lực tách giữa lá thành và lá tạng, thể tích khoang ảo, áp suất âm dần trở về trạng thái ban đầu, càng thở ra áp suất âm càng bớt âm. Ở cuối thì thở ra bình thường khoảng -4 mmHg.Ở cuối thì hít vào bình thường khoảng -6 mmHg.

+Sau khi sinh, kích thước lồng ngực thường tăng nhanh hơn phổi.

+Dịch màng phổi được bơm liên tục vào các mạch bạch huyết.

3. Ý nghĩa

Với hô hấp:

- Chức năng thông khí: Làm phổi đi theo các cử động của lồng ngực và dễ dàng nở ra bám sát với thành ngực, lá tạng luôn dính sát vào lá thành.

- Chức năng trao đổi khí: Lúc áp suất âm nhất, không khí vào phổi và máu về phổi nhiều nhất, hiệu suất trao đổi khí đạt tối đa.

Với tuần hoàn:

- Làm máu về tim và lên phổi dễ dàng, làm nhẹ gánh cho tim phải.

 

4. Tổng kết

- Hệ thống hô hấp gồm mũi,  hầu và thanh quản, khí quản, phế quản, phổi.

- Khoang màng phổi có áp suất âm cấu tạo gồm lá thành và lá tạng. Lá thành phủ mặt trong của lồng ngực, lá tạng phủ bề mặt ngòai của phổi.

- Đường dẫn khí được cấu trúc phân tầng từ lớn đến nhỏ gọi là cây phế quản, tận cùng là các phế nang, tạo ra vùng trao đổi khí.

- Màng hô hấp cấu tạo bởi sáu lớp, là nơi trực tiếp diễn ra sự trao đổi khí.

- Chất surfactant do tế bào biểu mô typ II bài tiết có tác dụng làm giảm sức căng bề mặt phế nang.