CẢM GIÁC THỊ GIÁC

►Giải phẫu mắt, nhãn cầu

Nhãn cầu có 3 lớp: (1) Màng xơ (củng mạc và giác mạc); (2) Màng mạch (đám rối, mống mắt, thể mi); (3) Màng thần kinh (võng mạc có biểu mô sắc tố hấp phụ ánh sáng, receptor nhận cảm ánh sáng là tế bào que và tế bào nón.  

 

Mắt là cơ quan ngoại vi của thị giác quan gồm 2 nhãn cầu (màng xơ, màng mạch, màng thần kinh) với các môi trường triết quang (thủy tinh thể, thủy dịch, dịch kính) và các bộ phận phụ thuộc như mi mắt, kết mạc, bộ lệ.
Mắt có thể được ví với một cái máy quay phim có khả năng thay đổi, điều chỉnh sao cho ảnh của vật nằm trên võng mạc. Hình ảnh từ bên ngoài đi vào võng mạc qua một hệ thống kính hội tụ (giác mạc, thủy dịch, nhân mắt-thủy tinh thể, dịch kính) và một khe có thể điều chỉnh được độ rộng (đồng tử) theo cường độ ánh sáng.


Hình 16.11. Sơ đồ cắt ngang của mắt

9.1.1. Hệ thống thấu kính hội tụ của mắt giúp ánh sáng tập trung vào một điểm trên võng mạc
9.1.1.1. Các giao diện khúc xạ
Ánh sáng được tạo ra do những bước sóng khác nhau kích thích các photoreceptor qua các lượng tử ánh sáng.  Mắt người chỉ nhìn thấy ánh sáng nằm trong dải 400-700nm.

Bước sóng tỷ lệ nghịch với năng lượng ánh sáng và tỷ lệ thuận với khả năng hấp phụ ánh sáng
Các tia sáng đi từ vô cực thẳng và song song với tốc độ 300.000 km/giây sẽ bị chặn lại bởi những vật không trong suốt và đi vào  mắt chính qua bốn giao diện khúc xạ với các hệ số khúc xạ riêng. Gọi hệ số khúc xạ của không khí là 1 thì giác mạc là 1,38, thủy dịch và thủy tinh dịch là 1,33 thủy tinh thể là 1,4.  Đường đi của tia sáng phụ thuộc vào chỉ số khúc xạ và bán kính giao diện khúc xạ. Khoảng cách từ điểm hội tụ ánh sáng trên võng mạc đến trung tâm giao diện khúc xạ gọi là tiêu cự  được tính bằng diop (D). 1D là khả năng khúc xạ của một thấu kính có tiêu cự 1m, nếu khoảng cách là 2m thì cường độ khúc xạ là 0,5D…

9.1.1.2. Khả năng điều tiết để nhìn xa – gần chủ yếu do co-giãn cơ thể mi và thay đổi kích thước đồng tử.
- Thủy tinh thể
Khi nhìn xa, các sợi cơ thể mi giãn làm căng dây chằng, thủy tinh thể dẹt, độ hội tụ giảm.
Khi nhìn gần, các sợi cơ thể mi co, làm các sợi dây chằng chùng xuống và thủy tinh thể phồng lên, độ hội tụ tăng.

Sự co-giãn sợi cơ thể mi chịu sự chi phối của thần kinh phó giao cảm. Kích thích phó giao cảm làm cơ thể mi co.
- Đồng tử.
Lượng ánh sáng qua đồng tử có thể tăng hoặc giảm 30 lần nhờ thay đổi bán kính đồng tử do hoạt động các cơ co, giãn đồng tử thuộc cấu trúc nền mống mắt, nhạy cảm với lượng ánh sáng và độ dài tiêu cự. Đồng tử càng nhỏ thì các tia sáng đều qua phần trung tâm của hệ thấu kính và các tia đều rơi vào tiêu điểm nên ảnh của vật càng rõ; võng mạc ra trước hay ra sau tiêu điểm cũng ít ảnh hưởng. Nếu đồng tử giãn to thì ngược lại, sự di chuyển của võng mạc ảnh hưởng rất lớn lên độ nét của ảnh trên võng mạc.

9.1.2. Thị lực. Thị lực của mắt là khả năng phân biệt các nguồn sáng nằm sát nhau. Trong điều kiện được chiếu sáng đủ, mắt bình thường có thể phân biệt được hai điểm  mà các tia sáng từ hai điểm này đến mắt tạo thành góc a = 1 phút (1phút = 1/60o).
9.1.3. Các tật khúc xạ của mắt
Rối loạn khả năng điều tiết của mắt gây các tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, lão thị, loạn thị).
9.1.3.1.  Lão thị: giảm khả năng đàn hồi của thủy tinh thể, chỉ có một tiêu cự ứng với một khoảng cách tùy theo từng cá thể, mắt không thích nghi với nhìn gần cũng như với nhìn xa và phải dùng các thấu kính hội tụ hai tròng hoặc có độ hội tụ tăng dần từ trên xuống dưới để nhìn được rõ.
9.1.3.2.  Viễn thị: Do nhãn cầu ngắn hoặc do độ hội tụ của mắt kém nên bệnh nhân nhìn rõ vật ở xa, không nhìn rõ vật ở gần, ảnh của vật rơi ra phía sau võng mạc. Để sửa tật này cần đeo thấu kính hội tụ.

8.1.3.3.  Cận thị: Do nhãn cầu dài hoặc do độ hội tụ của mắt tăng hơn bình thường; bệnh nhân nhìn rõ vật ở gần, không nhìn rõ vật ở xa, ảnh của một vật ở xa rơi trước võng mạc. Muốn nhìn rõ vật ở xa thì phải dùng kính phân kỳ. Phương pháp dùng lazer làm căng nhẹ giác mạc có thể chữa được cận thị

9.1.3.4.  Loạn thị: Do độ cong của giác mạc hoặc của hệ thấu kính của mắt không đều làm cho độ hội tụ của hệ thấu kính không đồng đều theo các trục, vì vậy các tia sáng không cùng rơi vào một điểm. Mắt chỉ có khả năng điều chỉnh độ hội tụ chung chứ không có khả năng đồng thời điều chỉnh độ hội tụ theo từng trục. Bệnh nhân không thể nhìn rõ toàn bộ vật, nhìn rõ được chỗ này lại thấy mờ chỗ khác tùy theo trục. Để sửa tật này, cần đeo thấu kính lăng trụ đặc biệt để điều chỉnh độ hội tụ theo trục bị rối loạn. Tật này có thể đi kèm với một tật khúc xạ khác, ví dụ vừa loạn thị vừa cận thị và được điều trị bằng kính làm cho từng mắt, từng người.
9.1.3.5. Đục thủy tinh thể là một bệnh do nhiều nguyên nhân và rất hay gặp ở người cao tuổi. Các protein sợi bị thoái hóa, sau đó đông đặc lại tạo nên một vùng đục ở thủy tinh thể hoặc làm đục cả nhân mắt, cản trở tia sáng đi qua. Để điều trị phải mổ, lấy đi thủy tinh thể bị đục và thay thế bằng bằng thủy tinh thể nhân tạo. Sau khi thay nhân mắt, thị lực trở về mức trước khi bị đục.
9.1.4. Các dịch của mắt.
9.1.4.1. Thủy dịch. Thủy dịch do thể mi bài tiết theo cơ chế tích cực (click quay lại mục 8.6 (bài 8, mục 6).
9.1.4.2. Nước mắt. Nước mắt do các tuyến lệ nằm ở góc ngoài mi mắt trên sản xuất. Nước mắt chảy trên bề mặt của mắt và đổ vào khoang mũi qua ống lệ và túi lệ. Chớp mắt giúp dàn trải nước mắt. Nước mắt có tác dụng lấp các chỗ không đều trên giác mạc, ngăn khô giác mạc, làm sạch bụi, khí độc, ngăn nhiễm khuẩn (nhờ có lysozym và immunoglobulin A)… Chảy nước mắt nhiều là một đáp ứng nhằm bảo vệ mắt và còn là một biểu hiện cảm xúc.
9.1.5. Võng mạc
9.1.5.1. Cấu trúc võng mạc gồm có 10 lớp do nhiều tế bào xếp với nhau (tế bào biểu mô hắc tố, tế bào nón và que cảm nhận ánh sáng, tế bào ngang, tế bào hai cực, tế bào Amacrine, tế bào hạch…)

Hình 16.13. Các lớp                        Hình 16.14. Tế bào que
                     tế bào võng mạc                               
Lớp biểu mô sắc tố chứa nhiều melanin, ngăn không cho ánh sáng phản xạ trong nhãn cầu. Vitamin A trong lớp sắc tố được trao đổi với các tế bào nón và tế bào que.

Phần trung tâm võng mạc chỉ có tế bào nón, càng ra ngoài rìa võng mạc thì mật độ tế bào que càng dày. Điểm vàng là nơi tập trung nhiều tế bào nón nằm trên trục quang học của mắt nên nhìn vật rõ nhất. Điểm mù là nơi tụ hợp sợi trục các tế bào hạch nên không nhìn thấy vật
Đáy mắt là hình ảnh võng mạc quan sát được bằng đèn soi đáy mắt. Gai thị có màu hồng nhạt hơi ngả sang màu da cam, nổi bật trên màu hồng tươi của võng mạc hình tròn, bờ rõ nét nhất là phía thái dương. Từ giữa trung tâm của gai thị có hai nhánh động mạch trung tâm võng mạc đi ra, tỏa phân nhánh ra khắp võng mạc, đồng thời có hai tĩnh mạch thu máu từ các nhánh tĩnh mạch võng mạc đi vào. Trong trường hợp tăng áp lực nội sọ (u, áp xe não, máu tụ...), gai thị sẽ có hình ảnh mờ, phù gai, xuất huyết võng mạc, teo .

►Receptor ánh sáng
►Dẫn truyền cảm giác thị giác
►Nhận cảm cảm giác thị giác trên vỏ não
►Đặc điểm của cảm giác thị giác