TUYẾN GIÁP

►Đặc điểm cấu tạo
►Sinh tổng hợp hormon T3-T4
►Nhu cầu iod và phân bố iod trong tuyến giáp
►Nồng độ hormon trong máu
►Tác dụng của T3-T4
►Điều hoà bài tiết hormon tuyến giáp
►Rối loạn hoạt động tuyến giáp

►Hormon calcitonin

1. Nguồn gốc, bản chất hoá học

Calcitonin do các tế bào cạnh nang của tuyến giáp bài tiết hoặc còn được gọi là tế bào C. Đây là những tế bào nằm ở mô kẽ xen giữa các nang giáp, những tế bào này chỉ chiếm 0,1% tuyến giáp.
Calcitonin là một polypeptid có 32 acid amin với trọng lượng phân tử là 3.400.

2. Tác dụng của calcitonin

- Tác dụng nhanh của calcitonin là làm giảm hoạt động của các tế bào huỷ xương do đó chuyển dịch sự cân bằng theo hướng lắng đọng các muối calci ở xương. Tác dụng này đặc biệt quan trọng ở những động vật còn non và trẻ em vì ở lứa tuổi này quá trình thay đổi trong xương ( giữa lắng đọng và tiêu huỷ) thường xảy ra nhanh chóng.
- Tác dụng thứ phát và kéo dài hơn đó là tác dụng làm giảm hình thành các tế bào huỷ xương mới.
- Calcitonin cũng có tác dụng điều hoà tái hấp thu ion calci ở ống thận và hấp thu ion calci ở ruột, tác dụng này yếu và ngược với tác dụng của parathormon.
Vì những tác dụng đã trình bày ở trên, calcitonin có tác dụng làm giảm nồng độ ion calci huyết tương nhưng tác dụng này rất yếu ở người trưởng thành vì hai lý do:
+ Tác dụng giảm nồng độ ion calci huyết tương của calcitonin đã kích thích mạnh tuyến cận giáp bài tiết parathormon.
+ Ở người trưởng thành tốc độ đổi mới xương hàng ngày thường rất chậm.

3. Điều hoà bài tiết calcitonin

Sự bài tiết calcitonin được điều hoà bởi nồng độ ion calci trong huyết tương. Khi nồng độ ion calci tăng khoảng 10% thì ngay tức khắc calcitonin được bài tiết tăng gấp 2 - 3 lần. Tuy nhiên cơ chế này thường yếu và xảy ra trong một thời gian ngắn.