TUYẾN GIÁP

►Đặc điểm cấu tạo
►Sinh tổng hợp hormon T3-T4
►Nhu cầu iod và phân bố iod trong tuyến giáp
►Nồng độ hormon trong máu
►Tác dụng của T3-T4
►Điều hoà bài tiết hormon tuyến giáp

►Rối loạn hoạt động tuyến giáp

1. Ưu năng tuyến giáp (cường giáp)

Người bị hội chứng cường giáp thường có các biểu hiện như bướu cổ, lồi mắt (mắt khó khép mi), tay run, nhịp tim nhanh, hay hồi hộp lo lắng, khó ngủ, sút cân, chuyển hoá cơ sở tăng, độ tập trung I131 cao, thời gian phản xạ gân gót giảm, nồng độ hormon T3,T4 giảm, nồng độ TSI (Thyroid Stimulating Immunoglobulin) tăng.
Nhìn chung các dấu hiệu lâm sàng của hội chứng cường giáp đều do nồng độ T3-T4 gây ra trừ dấu hiệu lồi mắt.
Dấu hiệu lồi mắt chỉ gặp ở 1/3 số bệnh nhân bị cường giáp. Nguyên nhân lồi mắt là do sự phù nề ở mô sau hốc mắt và giảm sản cơ ngoài ổ mắt. Yếu tố nào gây ra tình trạng trên cho đến nay còn chưa rõ. Ở những bệnh nhân này người ta tìm thấy  các globulin miễn dịch và có sự tương xứng giữa nồng độ globulin miễn dịch này với nồng độ TSI. Nguyên nhân gây cường giáp cũng như triệu chứng lồi mắt là do quá trình tự miễn.

2. Nhược năng tuyến giáp (suy giáp)

Các biểu hiện của suy giáp thường ngược lại với cường giáp.  Bệnh nhân bị suy giáp thường chậm chạp, nhịp tim chậm, ngủ nhiều và hay buồn ngủ, chuyển hoá cơ sở giảm, giảm chức năng dinh dưỡng gây rụng tóc, da có vảy và có phù.
Dấu hiệu phù của người suy giáp được gọi là phù niêm vì đây là dạng phù do ứ đọng một lượng lớn acid hyaluronic và chrondoitin sulfat kết hợp với protein trong khoảng kẽ do đó làm tăng dịch trong khoảng kẽ.
Ngoài các biểu hiện trên những người bị suy giáp có thể bị xơ vữa động mạch do thiếu T3-T4 nên làm tăng nồng độ cholesterol trong máu, đặc biệt những bệnh nhân bị suy giáp thể Myxedema (thiếu hầu như toàn bộ chức năng tuyến giáp) dễ có biểu hiện này.
Cũng như cường giáp, nguyên nhân chủ yếu của suy giáp cũng là do quá trình tự miễn.

3. Bệnh đần độn bẩm sinh

Đần độn là tình trạng xảy ra do suy giáp nặng trong thời kỳ bào thai, sơ sinh và trẻ em. Khi còn trong bụng mẹ do thai nhận được hormon của mẹ nên thai vẫn có thể phát triển bình thường. Sau khi sinh vài tuần cho đến vài năm đầu nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời đứa trẻ kém phát triển về thể chất và trí tuệ. Nếu được điều trị, đứa trẻ có thể phát triển về thể chất bình thường nhưng trí tuệ vẫn chậm do chậm phát triển, chậm phân nhánh, chậm myelin hoá các nơron của hệ thần kinh trung ương (ngoại trừ được điều trị rất sớm ngay vài tuần sau khi sinh).
Ở những đứa trẻ này, sự phát triển của khung xương bị ức chế mạnh hơn so với mô mềm do đó tạo ra sự mất cân đối về hình thể. Bệnh nhân thường có hình dạng thấp lùn nhưng béo, đôi khi lưỡi to đến mức khó nuốt, khó thở.

4. Bệnh bướu cổ do thiếu iod

Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu iod trong thức ăn hoặc nước uống. Lượng iod cung cấp hàng ngày không đủ để tổng hợp hormon tuyến giáp nhưng quá trình tổng hợp thyroglobulin vẫn bình thường. Lượng hormon được bài tiết không đủ để ức chế bài tiết TSH làm cho tuyến giáp nở to và lượng thyroglobulin được sản xuẩt ra quá nhiều. Tuyến giáp có thể nặng tới 300 - 500 gam.
Thời kỳ đầu của bệnh, chức năng tuyến giáp vẫn bình thường nhưng nếu bệnh kéo dài không được điều trị sẽ dẫn tới suy giáp. Phòng ngừa và điều trị bằng cách cho uống, ăn muối iod, cho tiêm dầu iod.

 

►Hormon calcitonin