►Loét dạ dày - tá tràng
►Táo bón
►Ỉa chảy
►Nôn
Khi đường tiêu hoá bị căng quá mức hoặc bị kích thích quá mức, đặc biệt là ở tá tràng thì nôn sẽ xẩy ra để tống thức ăn ở phần trên đường tiêu hoá ra ngoài. Xung động theo dây X và dây giao cảm truyền về trung tâm nôn ở hành não (nằm gần nhân lưng vận động của dây X). Các xung động vận động truyền qua dây V, dây VII, dây IX, dây X, dây XII đến phần trên của ống tiêu hoá và theo các dây thần kinh tuỷ sống đến cơ hoành và các cơ thành bụng gây ra các tác dụng sau: (1) Hít vào thật sâu, (2) nâng xương móng và thanh quản để kéo cho cơ thắt thực quản trên mở ra, (3) đóng thanh môn, (4) đóng lỗ mũi sau, (5) co cơ hoành và co các cơ thành bụng làm cho áp suất bên trong dạ dày tăng lên, (6) cơ thắt thực quản dưới giãn ra hoàn toàn, thức ăn trong dạ dày bị đẩy qua thực quản ra ngoài.
Như vậy, động tác nôn là do sự ép của các cơ thành bụng lên dạ dày phối hợp với sự mở đột ngột của các cơ thắt thực quản để tống thức ăn trong dạ dày ra ngoài.
Kích thích gây nôn có thể xuất phát từ ống tiêu hoá nhưng cũng có thể xuất phát từ một vùng nhỏ nằm ở hai bên sàn não thất 4, gần vùng postrema gọi là vùng kích thích cảm thụ hoá học (chemoreceptor trigger zone). Kích thích điện vào vùng này sẽ gây nôn hoặc một số thuốc như apomorphin, morphin, các dẫn chất digitalis cũng có thể kích thích trực tiếp vào vùng này gây nôn.
Ngoài ra sự thay đổi hướng chuyển động quá nhanh của cơ thể cũng làm một số nguời bị nôn. Cơ chế như sau: Chuyển động sẽ kích thích các receptor của mê cung, xung động truyền qua các nhân tiền đình vào tiểu não rồi đến vùng kích thích cảm thụ hoá học, cuối cùng đến trung tâm nôn và gây nôn.
Một số kích thích tâm lý như những bối cảnh gây lo lắng sợ hãi, những mùi kinh tởm, độc hại hoặc các yếu tố tâm lý tương tự cũng có thể gây nôn, cơ chế còn chưa rõ. |