►Loét dạ dày - tá tràng
Loét dạ dày - tá tràng là bệnh phổ biến trên toàn thế giới cũng như ở Việt Nam. Tỷ lệ loét dạ dày - tá tràng ở Liên Xô cũ là 3 đến 4% dân số. Ở Mỹ, tỷ lệ này là 1,9%. Ở Việt Nam, qua điều tra sơ bộ một số tỉnh phía Bắc, khoảng 5,63% dân số có những triệu chứng của loét dạ dày - tá tràng.
Loét dạ dày-tá tràng là tổn thương niêm mạc dạ dày - tá tràng do HCl và pepsin gây ra. Tổn thương loét có thể lan tới lớp cơ niêm hoặc xa hơn, có thể chạm tới các mạch máu gây chảy máu. Loét có thể làm thủng thành ống tiêu hoá, khi đó thức ăn, dịch tiêu hoá và vi khuẩn qua lỗ thủng thoát vào khoang màng bụng gây hậu quả nghiêm trọng. Tác dụng ăn mòn của acid và tác dụng tiêu hoá của pepsin đóng vai trò chính trong sự phát triển của bệnh, nhưng sự tạo thành ổ loét không phải hoàn toàn do sự hoạt động quá mức của hai yếu tố này. Ổ loét sẽ phát triển nếu cơ chế bảo vệ niêm mạc bị rối loạn. Loét tá tràng hay gặp nhất (chiếm 50%). Bệnh nhân bị loét tá tràng thường có sự tăng bài tiết acid, vị trấp thoát xuống tá tràng quá nhanh hoặc nồng độ bicarbonat trong tá tràng quá ít. Loét dạ dày ít gặp hơn và thường do cơ chế bảo vệ niêm mạc bị rối loạn. Ngày nay người ta đã thừa nhận vi khuẩn helicobacter pylori (HP) đóng vai trò quan trọng trong loét dạ dày-tá tràng. Năm 1983, lần đầu tiên hai nhà nghiên cứu người Úc đã tìm thấy HP trong các mẫu sinh thiết niêm mạc dạ dày của bệnh nhân bị viêm dạ dày cấp tính hoặc bị loét dạ dày-tá tràng. HP khư trú trong lớp gel nhày bao phủ niêm mạc dạ dày do đó chúng được bảo vệ khỏi acid và pepsin của dịch vị. Tất cả bệnh nhân bị loét tá tràng và khoảng từ 75 đến 85% bệnh nhân loét dạ dày bị nhiễm HP. HP có tác dụng phá vỡ hàng rào bảo vệ niêm mạc và kích thích tế bào viền bài tiết HCl. Trong phác đồ điều trị loét dạ dày - tá tràng, người ta thường dùng kháng sinh để diệt trừ HP kết hợp với các thuốc làm giảm bài tiết HCl như các thuốc ức chế receptor H2 của tế bào viền (cimetidine, ranitidin, famotidin) hoặc thuốc ức chế bơm proton (omeprazol) và các thuốc bảo vệ niêm mạc, băng ổ loét (sucralfat, gel alumin…).
Cũng cần lưu ý rằng tình trạng quá căng thẳng về tâm lý do những chấn thương tinh thần và tình cảm cấp, mạn hoặc những rối loạn về nhịp điệu và tính chất của thức ăn (rượu, thuốc lá, các chất chua cay, suy dinh dưỡng…) đều là những yếu tố thúc đẩy bệnh phát triển.
►Táo bón
►Ỉa chảy
►Nôn
|