TIÊU HOÁ Ở RUỘT NON

►Đặc điểm cấu tạo của ruột non

►Hiện tượng cơ học

Vận động ở ruột non được chia làm hai loại chính: Co bóp phân đoạn (co bóp nhào trộn) và co bóp nhu động (co bóp đẩy). Trong một phạm vi rộng, sự phân chia này là giả tạo vì mọi vận động ở ruột non đều có cả hai tác dụng nhào trộn và đẩy với những mức độ khác nhau. Ngoài ra trong dạ dày và ruột non còn có một loại vận động đặc biệt gọi là phức hợp vận động di chuyển (migrating motor complex).

1. Co bóp phân đoạn


Hình - Co bóp phân đoạn của ruột non.

Khi thức ăn vào ruột non (lúc này được gọi là nhũ trấp) sự căng thành ruột sẽ kích thích gây ra các co bóp đồng tâm ở những khoảng nhất định dọc theo ruột non. Chiều dài của mỗi đoạn co bóp vào khoảng 1 cm. Một nhóm co bóp như vậy sẽ chia ruột non thành từng đoạn giống hình ảnh một chiếc xúc xích (hình - Co bóp phân đoạn của ruột non). Khi một nhóm co bóp phân đoạn giãn ra, một nhóm co bóp khác bắt đầu tại những điểm mới, ở giữa các co bóp trước. Như vậy những đoạn ruột trước co thì nay giãn ra và những đoạn trước đang giãn thì nay co lại.

Co bóp phân đoạn có tác dụng trộn thức ăn với các dịch tiêu hoá và luôn luôn đưa thức ăn mới đến tiếp xúc với các tế bào hấp thu và những enzym trên bề mặt của chúng.

2. Co bóp nhu động

Co bóp nhu động đẩy nhũ trấp dọc theo ruột về phía ruột già với tốc độ 0,5 đến 2 cm/giây. Tốc độ này nhanh hơn ở tá tràng và phần trên hỗng tràng, sau đó chậm dần. Hầu hết co bóp nhu động là những sóng yếu, thường tắt sau khi dịch chuyển được khoảng 3 đến 5 cm . Vì vậy phải mất 3 đến 5 giờ, các co bóp nhu động mới đẩy được nhũ trấp từ tá tràng tới van hồi - manh tràng.

3. Phức hợp vận động di chuyển

Giữa các bữa ăn, khi cơ thể bị đói, cứ cách một khoảng thời gian độ 90 phút lại có những sóng nhu động mạnh đi từ dạ dày dọc theo ruột đến van hồi manh tràng. Đó là những phức hợp vận động di chuyển. Trong khi sóng nhu động thông thường chỉ di chuyển được vài centimet rồi tắt thì các phức hợp vận động di chuyển đi dọc theo toàn bộ chiều dài của ruột từ dạ dày đến đoạn cuối ruột non. Các phức hợp vận động di chuyển “quét” sạch những mẩu thức ăn, chất nhày, các dịch tiêu hoá dư thừa và các tế bào ruột non bị bong rơi vào lòng ruột, do đó giữ cho dạ dày và ruột non được sạch sẽ giữa các bữa ăn.

Nếu không có những phức hợp vận động di chuyển này trong  ruột vì lý do bệnh lý thì vi khuẩn sẽ phát triển quá mức trong ống tiêu hoá gây ra rối loạn hấp thu.
Hoạt động của hệ thần kinh ruột sinh ra các phức hợp vận động di chuyển. Các phức hợp này bị ức chế trong lúc ăn một phần do hoạt động của dây X tăng lên, một phần do tác dụng của các hormon gastrin và cholecystokinin. Ngược lại, hormon motilin làm tăng các phức hợp vận động di chuyển.

4. Điều hoà vận động ruột non

Nhìn chung vận động của ruột non được điều hoà theo cơ chế thần kinh và hormon, tuy nhiên, tác dụng sinh lý của các hormon gastrin và cholecystokinin trên vận động ruột non vẫn còn đang được bàn cãi.

Kích thích thần kinh phó giao cảm làm tăng vận động ruột trong khi kích thích giao cảm có tác dụng ngược lại. Sự có mặt của những chất độc hại trong lòng ruột có thể gây ra các sóng phản nhu động (nhu động ngược chiều) gây nôn, hoặc những co bóp đẩy rất mạnh xuống phía hậu môn gây ỉa chảy. Các trạng thái cảm xúc cũng có thể ảnh hưởng đến vận động ruột.

Trong chứng tắc ruột do liệt ruột (paralytic ileus), tắc ruột không phải do nguyên nhân cơ học mà là do ruột không co bóp. Bệnh nhân bị chướng bụng, buồn nôn và nôn. Nguyên nhân do hoạt động của hệ thần kinh ruột bị ức chế hoàn toàn và hoạt động của nơron ức chế tăng lên. Việc sờ nắn vào các quai ruột trong phẫu thuật ổ bụng có thể gây ra đáp ứng phản xạ theo các dây hướng tâm truyền về thân não rồi theo các sợi giao cảm đến ruột để ức chế vận động ruột.

5. Vận động của nhung mao

Một số sợi cơ trơn của lớp cơ dưới niêm mạc đi vào các nhung mao làm chúng co bóp theo nhịp: Ngắn lại, dài ra rồi ngắn lại. Vận động của nhung mao giúp dịch bạch huyết chảy từ ống bạch huyết trung tâm vào hệ bạch mạch, vận động của nhung mao cũng có tác dụng “khuấy” vào nhũ trấp chung quanh nhung mao do đó thường xuyên đưa nhũ trấp mới đến tiếp xúc với nhung mao để được hấp thu. Khi nhũ trấp vào ruột non, vận động của nhung mao được khởi động thông qua các phản xạ tại chỗ trong đám rối Meissner.

6. Vai trò của cơ thắt hồi manh tràng

Cơ thắt hồi manh tràng kiểm soát sự thoát nhũ trấp từ hồi tràng vào manh tràng và tác dụng như một cái van ngăn cản sự trào ngược của thức ăn trở lại hồi tràng. Bình thường, cơ thắt hồi manh tràng co nhẹ. Các kích thích cơ học, hoá học hoặc áp suất ở hồi tràng làm giãn cơ thắt hồi manh tràng và thức ăn thoát khỏi hồi tràng. Ngược lại, những kích thích từ phía manh tràng làm cho cơ thắt hồi manh tràng co mạnh hơn nữa và ngăn cản sự trào ngược thức ăn. Như vậy, thức ăn từ hồi tràng được đưa từng đợt vào manh tràng.

 

►Bài tiết dịch và tiêu hoá ở ruột non
►Sự hấp thu ở ruột non