BẠCH CẦU

►Phân loại bạch cầu
►Số lượng bạch cầu và công thức bạch cầu
►Những đặc tính của bạch cầu

►Chức năng của các loại bạch cầu
● Bạch cầu hạt trung tính
● Bạch cầu hạt ưa acid
● Bạch cầu hạt ưa base

● Bạch cầu lympho

Dưới kính hiển vi quang học, các bạch cầu lympho trông rất giống nhau, nhưng chúng thực sự khác nhau về sự phát triển, chức năng và đời sống. Có hai loại bạch cầu lympho là lympho T (CD8+, CD4+) và bạch cầu lympho B.

Bạch cầu lympho T (CD8+) và (CD4+)

Bạch cầu lympho T bắt nguồn từ những tế bào gốc sinh máu vạn năng trong tuỷ xương. Chúng đi vào máu và hoàn thành sự phát triển của chúng trong tuyến ức (một cơ quan bạch huyết trong lồng ngực). Bạch cầu lympho T là loại bạch cầu lympho có nhiều nhất trong máu. Chúng liên tục di chuyển giữa lách, hạch bạch huyết và các mô liên kết. Khi các bạch cầu lympho T đi qua tuyến ức, những receptor bề mặt ký hiệu CD4 và CD8 được cài vào màng tế bào. Bạch cầu lympho T mang receptor CD4 được gọi là CD4+,  bạch cầu lympho T mang receptor CD8 được gọi là CD8+. Các recepor bề mặt này cho phép bạch cầu lympho T nhận biết được các kháng nguyên peptid. Đó là những tế bào có thẩm quyền (competent) miễn dịch hoặc các tế bào hoạt hoá. Các bạch cầu lympho T hoạt hoá này đáp ứng với kháng nguyên bằng cách tấn công trực tiếp hoặc bằng cách giải phóng ra các hoá chất gọi là lymphokin. Những lymphokin này hấp dẫn bạch cầu hạt đến vùng xâm nhập và cũng kích thích bạch cầu lympho B và các bạch cầu lympho T khác. Thông qua quá trình phân bào, các bạch cầu lympho T hoạt hoá này cũng tạo ra những dòng (clone) bạch cầu lympho đáp ứng với sự hoạt hoá kháng nguyên. Bạch cầu lympho T cũng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động chức năng của bạch cầu lympho B.     

Chức năng đáp ứng miễn dịch của bạch cầu lympho T được gọi là miễn dịch qua trung gian tế bào. Những người bị hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS) có số lượng bạch cầu lympho T (CD4+) rất giảm.

Bạch cầu lympho B: Bạch cầu lympho B phát triển trong tuỷ xương rồi theo máu đến các mô bạch huyết trong lách, hạch amygdal, hạch bạch huyết và thành của ruột non. Chúng ở lại đó một số thời gian trước khi trở lại máu và bạch huyết. Khi bị kích thích bởi một kháng nguyên đặc hiệu, một số bạch cầu lympho B được hoạt hoá để thành nguyên bào lympho. Một số nguyên bào lympho này tiếp tục biệt hoá thành nguyên tương bào (plasmoblast). Các nguyên tương bào phân chia và biệt hoá rất nhanh thành tương bào là những tế bào sản xuất ra kháng thể. Kháng thể được bài tiết vào bạch huyết rồi được đưa vào máu tuần hoàn để phản ứng với kháng nguyên và phá hủy chúng. Các nguyên bào lympho khác phân chia và biệt hoá thành bạch cầu lympho B hoạt hoá. Một số bạch cầu lympho B được đặc hiệu hoá để nhận biết kháng nguyên nếu sau đó kháng nguyên này lại xâm nhập cơ thể một lần nữa. Các bạch cầu lympho B này được gọi là tế bào nhớ. Bạch cầu lympho B có thể sống nhiều năm và thực hiện chức năng miễn dịch dịch thể của cơ thể hay còn gọi là miễn dịch qua trung gian kháng thể.

● Bạch cầu mono

►Quá trình sinh bạch cầu
►Đời sống của bạch cầu