ĐẠI CƯƠNG

 01. Hệ vận động bao gồm hệ thống thần kinh vận động và hệ thống cơ – xương – khớp. Hệ thống thần kinh vận động bao gồm vỏ não trung tâm chỉ huy vận động và các đường dẫn truyền vận động có ý thức (hệ tháp), không có ý thức (hệ ngoại tháp).

 

Các nơron vận động phát ra các xung thần kinh sẽ làm các co cơ
Vận động tuỳ ý là do các nơron vận động nằm ở vỏ não chi phối
Vận động tự động do các nơron vận động dưới vỏ não

02. Nơron vận động của tủy sống là chặng đường chung cuối cùng của đường dẫn truyền vận động.

Các nơron vận động sừng trước tuỷ sống gồm có 3 loại:

Nơron vận động alpha, sợi trục tạo các rễ trước đám rối các dây thần kinh ngoại vi, thuộc loại A alpha có đường kính lớn từ 9 – 20 micro mét, chi phối vài ba sợi đến hàng trăm sợi cơ vân .

 

Nơron vận động gamma có số lượng bằng khoảng một nửa số nơron alpha, thuộc loại sợi A gamma có đường kính nhỏ ~ 5mm, hoạt động thường xuyên để duy trì trương lực cơ ở các mức độ khác nhau.

Các mạng nơron trung gian nằm sừng bên chất xám tuỷ sống nhận tín hiệu ức chế từ vỏ não, tạo xung ức chế hoạt động của nơron vận động alpha, gamma. Các tế bào Renshaw nhận xung động từ nơron vận động alpha rồi quay lại ức chế nơron alpha đó.

03. Đơn vị chức năng của hệ thống vận động được gọi là đơn vị vận động bao gồm một nơron vận động ngoại biên và các sợi cơ do nơron này chi phối.

04. Chất dẫn truyền thần kinh có thể là acetylcholin, dopamin, serotonin…

05. Chức năng chính của hệ vận động là chuyển tín hiệu thần kinh đến cơ tạo ra mọi sự chuyển động toàn bộ hay từng phần của cơ thể, duy trì tư thế, thăng bằng, cử động, bước đi, tạo ngôn ngữ, cử chỉ, dáng điệu… Một động tác dù là tùy ý hay không tùy ý muốn thực hiện tốt phải dựa trên các tiêu chuẩn cơ bản sau:

- Hệ thống cảm giác hoạt động bình  thường
- Có kế hoạch hành động (vùng liên hợp ở vỏ não)
- Có chương trình hành động (vỏ não, nhân nền, tiểu não, trung tâm dưới vỏ)
- Thực hiện động tác (vùng vỏ não vận động, thân não, tủy sống)
- Trương lực cơ phải tốt (hệ thống tiểu não)
- Không có các động tác tự động làm gián đoạn các vận động chủ động (hệ ngoại tháp chi phối)
- Các động tác phối hợp phải điều hòa (hệ thống nhân nền, tiểu não - tiền đình- cảm giác sâu...)

06. Phản xạ là đáp ứng đơn giản mang tính tự động của cơ thể, là sự phối hợp giữa hệ thống cảm giác, trung tâm phân tích, xử lý và hệ thống vận động được thực hiện trên một cung phản xạ gồm có bộ phận nhận cảm (cơ, gân) sợi dẫn truyền cảm giác, trung tâm phân tích, xử lý, sợi dẫn truyền vận động và cơ quan đáp ứng (cơ và tuyến).