TÓM TẮT

GIỚI THIỆU

Hệ thần kinh có chức năng tiếp nhận, xử lý các thông tin từ bên ngoài cũng như bên trong và tạo ra những đáp ứng phù hợp nhằm duy trì hằng định nội môi và giúp cơ thể thích nghi với môi trường sống.

Mô thần kinh được cấu tạo từ hai loại tế bào chính là nơron các tế bào đệm trong đó  nơron là đơn vị cấu trúc, chức năng, dinh dưỡng và là đơn vị bệnh lý  của hệ thần kinh.

TỔ CHỨC - CHỨC NĂNG

Hệ thần kinh được chia thành hai phần là thần kinh trung ương (bao gồm não và tuỷ sống) và thần kinh ngoại vi (bao gồm các hạch, các dây thần kinh sọ và dây thần kinh sống).

Các tầng của hệ thần kinh trung ương gồm: đại não, não trung gian (đồi thị, hạ đồi thị), thân não (hành não, cầu não, não giữa), tiểu não, tuỷ sống

Hệ thần kinh ngoại vi kết nối hệ thần kinh trung ương và các phần khác của cơ thể chia làm hệ thần kinh thân và hệ thần kinh tự chủ. Hệ thần kinh thân đóng vai trò nhận cảm giác từ ngoại vi tạo ra những đáp ứng  của hệ cơ xương. Hệ thần kinh tự chủ và hệ thần kinh nội tại đảm nhiệm việc chi phối hoạt động của các tạng, tuyến, mô mỡ, không theo ý muốn, đường vận động đi ra chia làm các sợi giao cảm và phó giao cảm.

Kích thích theo sợi hướng tâm của hệ thần kinh ngoại vi dẫn truyền về hệ thần kinh trung ương (tích hợp, xử lý, ra quyết định) tạo ra tín hiệu điện thế đến hệ thần kinh vận động thân thể (chuyển điện thế hoạt động đến các cơ xương qua synap thần kinh -cơ) và đến cơ trơn các tạng qua sợi giao cảm, phó giao cảm thuộc hệ thần kinh tự chủ

CẤU TRÚC – CHỨC NĂNG CỦA NƠRON

Các tế bào của mô thần kinh chủ yếu gồm nơron và tế bào thần kinh đệm. Nơron là đơn vị cấu trúc, chức năng, dinh dưỡng và là đơn vị bệnh lý của hệ thống thần kinh.

Có 3 loại nơron chính là nơron cảm giác, nơron trung gian (nơron liên hợp), nơron vận động với nhiều hình dạng, kích thước khác nhau (đa cực, song cực, đơn cực, giả đơn cực)

Tính chất chung của nơron là  tính  dễ hưng phấn, có khả năng dẫn truyền và giải phóng chất truyền đạt thần kinh

Thành phần chính của nơron gồm: đuôi gai, thân, sợi trục. Đuôi gai, thân nơron tiếp nhận tín hiệu, sợi trục truyền tín hiệu qua việc giải phóng chất truyền đạt thần kinh (neurotransmitter) từ các các bọc nhỏ có trong cúc tận cùng

BIỂU HIỆN ĐIỆN CỦA NƠRON

Nơron là những tế bào có tính hưng phấn cao thậm chí có khả năng tự hưng phấn.

Điện thế màng nơron được tạo nên do sự chênh lệch nồng độ ion giữa trong và ngoài màng, có giá trị khoảng -70mV.

Điện thế hoạt động được phát sinh do vận chuyển ion qua các kênh ion trên màng, gồm hai giai đoạn là khử cực (Na+ đi vào) và tái cực (K+ đi ra)

Sự dẫn truyền điện thế hoạt động trên sợi trục có đặc điểm:

    • Theo  quy luật "tất cả hoặc không".
    • Dẫn truyền xung động thần kinh là dẫn truyền điện thế hoạt động: khi tổng đại số các kích thích, ức chế tại vùng gò Hillock  đạt tới ngưỡng và xuất hiện điện thế hoạt động lan truyền toàn bộ màng sợi trục
    • Dẫn truyền theo cả hai chiều
    • Tốc độ dẫn truyền ở sợi trục có myelin nhanh hơn sợi không có myelin (xung động nhảy cách qua eo Ranvier).
    • Tốc độ dẫn truyền tỷ lệ với đường kính sợi trục
    • Cường độ kích thích càng lớn thì tần số xung động xuất hiện trên sợi thần kinh càng cao
    • Xung động được dẫn truyền riêng trong từng sợi và trên sợi trục còn nguyên vẹn.

DẪN TRUYỀN XUNG ĐỘNG QUA SYNAP

Synap là chỗ tiếp nối giữa sợi trục của một nơron với một tế bào thần kinh khác hoặc với một tế bào đáp ứng khác (cơ, tuyến). Có hai loại synap là synap điện và synap hóa học. 

Tại các synap điện, dòng điện (dòng ion) lan truyền trực tiếp, nhanh từ tế bào này sang tế bào khác qua các khe nối giữa hai tế bào

Các synap hóa hoạc bao gồm màng trước synap, khe synap và màng sau synap. Tín hiệu được dẫn truyền từ tế bào trước synap đến tế bào sau synap qua các hóa chất trung gian là các chất truyền đạt thần kinh

Dẫn truyền xung động qua synap gồm các quá trình: Giải phóng chất truyền đạt thần kinh, chất truyền đạt thần kinh khuếch tán qua khe synap, gắn với receptor đặc hiệu màng sau synap (là các protein kênh ion hoặc enzym). Tác dụng của chất truyền đạt thần kinh có thể là kích thích, ức chế hoặc điều hòa

Đặc điểm dẫn truyền xung động qua synap là dẫn truyền điện thế hoạt động, xung động được dẫn truyền theo một chiều, cường độ kích thích càng mạnh thì tần số xung  càng cao. Có hiện tượng chậm synap và mỏi synap

- Oxy, pH, một số thuốc có thể ảnh hưởng đến tính hưng phấn, dẫn truyền, bài tiết chất truyền đạt thần kinh của nơron

CỘNG KÍCH THÍCH SAU SYNAP

Một tế bào thần kinh cùng lúc phải tiếp nhận hàng nghìn thông tin kích thích và ức chế. Các thông tin này được tổng hợp lại nhờ hiện tượng cộng kích thích.

Mức độ hưng phấn hay ức chế của nơron sau synap là cộng đại số các điện thế kích thích và điện thế ức chế tác động lên nơron trong cùng một thời điểm. Tăng cường độ kích thích tăng biên độ điện thế sau synap.

Điện thế sau synap có thể lan truyền trong một khoảng cách ngắn.

Khi tổng đại số các kích thích này đạt ngưỡng tại vùng gò Hillock sẽ tạo điện thế hoạt động của nơron sau synap. Có hai kiểu cộng kích thích là cộng kích thích theo thời gian và cộng kích thích trong không gian

CÁC MẠNG NƠRON

Mỗi chức năng của của hệ thần kinh được tập hợp, xử lý một cách riêng biệt qua một mạng nơron. Mỗi mạng nơron đặc trưng bới số lượng, cách thức thông tin đầu vào cho đến đầu ra. Các kiểu mạng nơron phổ biến là mạng hội tụ, mạng phân kỳ, mạng dội ngược và mạng song song.