VÙNG DƯỚI ĐỒI

►Đặc điểm cấu tạo

►Các hormon giải phóng và ức chế của vùng dưới đồi

Các nơron của vùng dưới đồi mà thân của chúng có thể nằm ở các nhóm nhân khác nhau của vùng dưới đồi và tận cùng của nơron thì khư trú tại vùng lồi giữa có khả năng tổng hợp các hormon giải phóng (Releasing Hormone) và các hormon ức chế (Inhibitory Hormone) để kích thích hoặc ức chế hoạt động của các tế bào thuỳ trước tuyến yên.

Các hormon giải phóng và ức chế sau khi được tổng hợp từ thân nơron, chúng được vận chuyển theo sợi trục xuống tích trữ ở các túi nhỏ trong tận cùng thần kinh nằm ở vùng lồi giữa. Tại đây hormon khuếch tán vào mạng mao mạch thứ nhất rồi theo hệ mạch cửa dưới đồi - yên xuống thuỳ trước tuyến yên.

1 Bản chất hoá học và tác dụng của các hormon giải phóng và ức chế

1.1. Hormon giải phóng và ức chế GH: GHRH và GHIH (Growth Hormone Releasing Hormone và Growth Hormone Inhibitory Hormone)

- Cả hai đều là polypeptid gồm 44 acid amin.
- GHRH có tác dụng kích thích thuỳ trước tuyến yên bài tiết GH và ngược lại GHIH lại ức chế tế bào thuỳ trước tuyến yên làm giảm bài tiết hormon GH.

1.2. Hormon giải phóng TSH: TRH (Thyrotropin Releasing Hormone)

- TRH là hormon có cấu trúc rất đơn giản, chỉ gồm 3 acid amin.
- TRH kích thích tế bào thuỳ trước tuyến yên tổng hợp và bài tiết TSH. Ngoài ra TRH còn có tác dụng kích thích thuỳ trước tuyến yên bài tiết prolactin.

1.3 Hormon giải phóng ACTH: CRH (Corticotropin Releasing Hormone)

- CRH là một peptid có 41 acid amin
- CRH kích thích tế bào thuỳ trước tuyến yên tổng hợp và bài tiết ACTH.

1.4 Hormon giải phóng FSH và LH: GnRH (Gonadotropin Releasing Hormone)

- GnRH là một peptid có 10 acid amin
- GnRH kích thích tế bào thuỳ trước tuyến yên tổng hợp và bài tiết cả hai hormon FSH và LH. GnRH được bài tiết theo nhịp, tuy nhiên nhịp bài tiết GnRH liên quan chặt chẽ đến sự bài tiết LH hơn là FSH. Vắng mặt GnRH hay đưa GnRH vào dòng máu đến tuyến yên liên tục thì cả LH và FSH đều không được bài tiết.

1.5 Hormon ức chế prolactin: PIH (Prolactin Inhibitory Hormone)

- Cấu trúc của PIH đến nay vẫn chưa rõ.
- Tác dụng của PIH là ức chế bài tiết prolactin từ thuỳ trước tuyến yên.

2 Điều hoà bài tiết các hormon giải phóng và ức chế

Cũng như các hormon khác trong hệ nội tiết, các hormon giải phóng và ức chế được điều hoà chủ yếu bằng cơ chế điều hoà ngược mà các tín hiệu điều hoà xuất phát từ tuyến yên hoặc các tuyến ngoại biên khác (Hình - Điều hoà bài tiết hormon vùng dưới đồi).


   Hình - Điều hoà bài tiết hormon vùng dưới đồi

- Cơ chế điều hoà ngược do các hormon tuyến đích ngoại biên điều khiển (tuyến giáp, tuyến vỏ thượng thận, tuyến sinh dục) được gọi là cơ chế điều hoà ngược vòng dài.

- Cơ chế điều hoà ngược do các hormon tuyến yên điều khiển (GH, TSH, ACTH, FSH, LH, prolactin) được gọi là cơ chế điều hoà ngược vòng ngắn.

- Cơ chế điều hoà ngược do chính nồng độ hormon của vùng dưới đồi điều khiển được gọi là cơ chế điều hoà ngược vòng cực ngắn. Cơ chế này mới chỉ tìm thấy ở hai hormon GnRH và TRH.

 

►Các hormon khác