►Tái hấp thu và bài tiết ở ống lượn gần
Tại ống lượn gần, 70-85% natri, clo, bicarbonat, nước; hầu như toàn bộ ion kali, mono acid phosphat và các acid amin trong nước tiểu đầu được tái hấp thu.
1. Tái hấp thu ion natri. Theo hai cơ chế:
- Ở đỉnh tế bào, natri được vận chuyển theo cơ chế đồng vận chuyển (khuếch tán được thuận hoá) cùng với glucose hoặc acid amin vào trong tế bào ống lượn gần. Sau đó, natri được vận chuyển qua màng đáy vào khoảng kẽ nhờ bơm Na+ - K+ - ATPase (vận chuyển tích cực).
- Một phần natri còn lại được tái hấp thu thụ động qua khoảng kẽ giữa các tế bào ống lượn gần và vào khoảng kẽ do khuếch tán theo bậc thang điện hoá và đi theo nước.
2. Tái hấp thu glucose: Khi nồng độ glucose máu thấp hơn ngưỡng glucose của thận (1,8 gam/lít) thì 100% glucose được tái hấp thu theo cơ chế vận chuyển tích cực thứ phát cùng chất mang với natri. Khi nồng độ glucose máu cao hơn ngưỡng glucose của thận thì glucose không được tái hấp thu hết sẽ bị đào thải qua nước tiểu.
3. Tái hấp thu protein và acid amin: Protein phân tử lượng nhỏ và acid amin được tái hấp thu hoàn toàn ở ống lượn gần. Protein được chuyển vào trong tế bào ống thận theo cơ chế "ẩm bào". Các protein trong "túi" bị các enzym thuỷ phân thành acid amin. Các acid amin này được vận chuyển qua màng đáy vào dịch gian bào theo cơ chế khuếch tán có chất mang. Các acid amin tự do trong lòng ống lượn được vận chuyển tích cực nhờ protein mang đặc hiệu qua màng. Mỗi ngày, thận tái hấp thu tới 30 g protein.
4. Tái hấp thu ion bicarbonat (hình - Sự tái hấp thu ion bicarbonat HCO3-)
![](images/Clip.jpg)
Hình - Sự tái hấp thu ion bicarbonat (HCO3-)
Trong 24 giờ có 4000 mEq ion bicarbonat bị lọc theo dịch lọc nhưng chỉ có 1 - 2 mEq ion này bị thải ra ngoài và có tới 99,9% bicarbonat được tái hấp thu. Ion bicarbonat được tái hấp thu chủ yếu ở ống lượn gần, một phần ở ống lượn xa theo cơ chế vận chuyển tích cực, có liên quan chặt chẽ với enzym carbonic anhydrase (CA). Một phần ion bicarbonat được tái hấp thu theo cơ chế khuếch tán thụ động.
Trong lòng ống lượn gần xảy ra phản ứng:
![](images/Clip_2.jpg)
CO2 khuếch tán vào trong tế bào ống lượn gần và kết hợp với nước, tạo thành H2CO3 dưới tác dụng của carbonic anhydrase, H2CO3 phân ly thành ion hydro (H+) và ion bicarbonat (HCO3-).
Ion hydro được vận chuyển tích cực vào lòng ống lượn còn ion bicarbonat được chuyển vào dịch gian bào cùng với natri. Như vậy, ion bicarbonat được tái hấp thu theo cơ chế vận chuyển tích cực thông qua sự khuếch tán của CO2 được tạo thành từ ion bicarbonat ở lòng ống.
Tái hấp thu kali, clo và một số ion khác: Ion kali được tái hấp thu hoàn toàn ở ống lượn gần theo cơ chế vận chuyển tích cực. Ion clo được tái hấp thu theo bậc thang điện tích. Một số gốc sulphat, phosphat, nitrat... được tái hấp thu theo cơ chế vận chuyển tích cực.
Tái hấp thu urê: Nước được tái hấp thu làm cho nồng độ urê trong ống lượn gần trở nên cao hơn nồng độ urê trong dịch gian bào. Vì vậy, urê khuếch tán (tới 50-60%) vào dịch kẽ, rồi vào máu theo bậc thang nồng độ.
Tái hấp thu nước: Tái hấp thu nước là kết quả của tái hấp thu các chất có lực thẩm thấu cao: Natri, kali, clo, bicarbonat... để duy trì cân bằng áp lực thẩm thấu. 75 – 89% nước do cầu thận lọc được tái hấp thu ở ống lượn gần. Sự tái hấp thu nước ở ống lượn gần không làm thay đổi áp suất thẩm thấu. Nước tiểu đi khỏi ống lượn gần là đẳng trương với huyết tương.
Bài tiết creatinin. Creatinin được lọc ở cầu thận và không được tái hấp thu. Hơn nữa, tế bào ống lượn gần còn bài tiết creatinin nên nồng độ chất này cao trong nước tiểu.
►Trao đổi chất ở quai Henle
►Tái hấp thu và bài tiết ở ống lượn xa
►Trao đổi chất ở ống góp
|