TIÊU HOÁ Ở DẠ DÀY

►Các hiện tượng cơ học ở dạ dày

1. Chức năng chứa đựng

Khi thức ăn chạm vào cơ thắt dạ dày - thực quản thì đồng thời với sự giãn của cơ thắt này, dạ dày phần gần cũng giãn ra. Đó là sự giãn tiếp nhận để thức ăn đi xuống dạ dày. Phản xạ giãn tiếp nhận được khởi động khi thức ăn kích thích vào các bộ phận nhận cảm cơ học ở họng, xung động truyền về hành não rồi truyền ra theo dây X đến ức chế các nơron vận động của hệ thần kinh ruột. Ngoài ra thức ăn làm căng dạ dày cũng gây ra phản xạ dây X (vagovagal reflex) để làm giảm trương lực của thành dạ dày phần gần. Nhờ hai phản xạ này, dạ dày phần gần phình dần ra phía ngoài và chứa được nhiều thức ăn hơn. Khả năng chứa đựng tối đa của dạ dày có thể lên tới 1,5 lít. Lúc này áp suất bên trong dạ dày vẫn thấp.

2. Các co bóp của dạ dày và vai trò nhào trộn thức ăn

- Co bóp hang vị: Khi dạ dày đã chứa đựng thức ăn, các sóng nhu động yếu (cũng gọi là sóng nhào trộn) bắt đầu từ phần giữa chuyển dọc theo thành dạ dày về phía hang vị. Đến hang vị chúng trở nên mạnh hơn, tạo thành  một số vòng co bóp nhu động rất mạnh. Các sóng này vừa ấn sâu vào thức ăn vừa đẩy thức ăn về phía môn vị. Khi sóng co bóp hang vị đầu tiên đến môn vị, nếu môn vị mở, nó đẩy được khoảng vài mililít vị trấp xuống tá tràng. Sóng co bóp tiếp theo, sau sóng đầu khoảng 2-3 giây đi đến môn vị thì cơ thắt môn vị đã co lại (đóng môn vị), thức ăn bị đẩy trở lại phía thân dạ dày. Quá trình đẩy ra sau (retropulsion) này có tác dụng trộn thức ăn với dịch vị và nghiền thức ăn thành những phần tử nhỏ hơn.

Kích thích dây X làm tăng cường độ và tần số của các co bóp hang vị, trong khi kích thích giao cảm có tác dụng ngược lại. Nếu nhánh của dây X đến hang vị bị thoái hoá hoặc bị cắt (vagotomie), lực co bóp của sóng hang vị giảm đi và sự thoát thức ăn xuống tá tràng bị chậm lại.

- Co bóp đói: Giữa các bữa ăn, khi dạ dày rỗng được khoảng vài giờ, các co bóp đói sẽ xuất hiện. Đó là những co bóp nhu động theo nhịp trong thân dạ dày, lúc đầu yếu và rời rạc, rồi mạnh dần lên. Khi các co bóp đói trở nên cực mạnh, chúng hoà vào nhau gây ra một co cứng liên tục có thể kéo dài tới 2-3 phút làm ta có cảm giác đau nhói vùng thượng vị. Co bóp đói thường mạnh nhất ở những người trẻ, khoẻ mạnh, những người có trương lực dạ dày cao. Co bóp đói cũng tăng lên khi đường huyết hạ. Có thể coi co bóp đói là một tín hiệu điều hoà quan trọng của ống tiêu hoá để thúc đẩy con người đi tìm thức ăn khi cơ thể bắt đầu bị đói.

3. Thức ăn thoát khỏi dạ dày - Sự đóng mở môn vị

Thức ăn thoát khỏi dạ dày vào tá tràng phụ thuộc vào cường độ các co bóp hang vị và sự đóng mở môn vị, nghĩa là phụ thuộc vào trương lực của cơ thắt môn vị.

- Các co bóp nhu động vùng hang: Bình thường các co bóp nhu động hang vị thường yếu có tác dụng chủ yếu là nhào trộn thức ăn với dịch vị. Khi thức ăn đã ở trong dạ dày được khoảng một giờ, các co bóp hang vị trở nên mạnh dần để đẩy thức ăn xuống môn vị. Nếu trương lực cơ thắt môn vị giảm (môn vị mở), mỗi sóng co bóp hang vị có thể đẩy được khoảng vài mililít vị trấp vào tá tràng. Co bóp hang vị cũng được gọi là “bơm môn vị” vì nó có tác dụng bơm thức ăn qua môn vị xuống tá tràng.

- Vai trò của cơ thắt môn vị: Cơ vòng môn vị dày hơn cơ trơn vùng hang gấp rưỡi đến gấp hai lần. Cơ này luôn ở trạng thái co trương lực nhẹ, do đó được gọi là cơ thắt môn vị. Khi trương lực cơ thắt môn vị giảm, môn vị thường hé mở đủ để nước và chất bán lỏng đi qua, thức ăn có kích thước lớn hoặc ở thể rắn sẽ bị ngăn lại. Mức độ co của cơ môn vị tăng lên, môn vị đóng lại, thức ăn bị giữ lại ở dạ dày. Sự đóng, mở môn vị chịu sự điều hoà của cơ chế thần kinh và hormon từ dạ dày và nhất là từ tá tràng.

4. Điều hoà sự thoát thức ăn khỏi dạ dày

Tốc độ đẩy thức ăn khỏi dạ dày được điều hoà bởi các tín hiệu thần kinh và hormon từ dạ dày và từ tá tràng.

- Tín hiệu từ dạ dày: Thức ăn làm căng dạ dày sẽ kích thích dây X và các phản xạ thần kinh ruột tại chỗ. Đồng thời sự căng dạ dày và các phản xạ dây X cũng kích thích tế bào G của niêm mạc vùng hang bài tiết gastrin. Cả hai tín hiệu thần kinh và hormon này đều có tác dụng làm tăng lực bơm môn vị và làm giảm trương lực cơ thắt môn vị, môn vị mở ra và một số vị trấp được đẩy xuống tá tràng.

- Tín hiệu từ tá tràng: Khi có quá nhiều vị trấp đi xuống tá tràng thì ở tá tràng sẽ có những tín hiệu điều hoà ngược âm tính (cả thần kinh và hormon) để làm giảm lực bơm môn vị và làm đóng môn vị, do đó vị trấp không đi xuống tá tràng nữa. Các tín hiệu đó là:

+ Các phản xạ ruột - dạ dày: Khi thức ăn vào tá tràng, khối lượng và các thành phần của vị trấp sẽ khởi động các phản xạ thần kinh xuất phát từ thành tá tràng rồi quay trở lại dạ dày để làm chậm hoặc ngừng sự thoát thức ăn xuống tá tràng.

+ Tín hiệu hormon: Sự có mặt của các acid béo, acid hoặc polypeptid trộn vị trấp ở ruột non (acid béo đóng vai trò quan trọng nhất) kích thích các tế bào nội tiết trong lớp tế bào biểu mô niêm mạc ruột non bài tiết ra một số hormon như cholecystokinin (CCK) secretin và peptid ức chế dạ dày (gastric inhibitory peptide - GIP). Các hormon này có tác dụng ức chế sự chuyển thức ăn từ dạ dày xuống tá tràng khi có quá nhiều vị trấp, đặc biệt là acid và acid béo trong vị trấp đi vào tá tràng. Hormon CCK đóng vai trò quan trọng nhất, nó tác dụng như một ức chế cạnh tranh để ngăn cản tác dụng làm tăng lực bơm môn vị của gastrin. Secretin và GIP có tác dụng làm giảm vận động của ống tiêu hoá nhưng yếu.

Như vậy trong cơ chế kiểm soát sự thoát thức ăn từ dạ dày xuống tá tràng, các tín hiệu từ dạ dày chỉ đóng vai trò thứ yếu. Các tín hiệu điều hoà ngược bao gồm cả thần kinh và hormon từ tá tràng giữ vai trò quan trọng hơn nhiều. Cả hai cơ chế điều hoà ngược này phối hợp với nhau để ức chế sự thoát thức ăn xuống tá tràng khi: (1) Có quá nhiều vị trấp đi vào tá tràng, (2) vị trấp quá acid hoặc có nhiều acid béo, chất kích thích, (3) vị trấp nhược trương hoặc ưu trương. Bằng cách này, tốc độ chuyển thức ăn xuống tá tràng được giới hạn để cho quá trình xử lý thức ăn trong ruột non được hoàn tất.

 

►Bài tiết dịch vị
►Kết quả tiêu hoá ở dạ dày
►Hấp thu ở dạ dày