TUẦN HOÀN ĐỊA PHƯƠNG

►Tuần hoàn mạch vành
►Tuần hoàn phổi

►Tuần hoàn não

Tuần hoàn não là tuần hoàn dinh dưỡng não, nên rất quan trọng, cần được đảm bảo đủ lưu lượng máu lên não trong bất cứ hoàn cảnh và tư thế nào của cơ thể.

● Đặc điểm của tuần hoàn não

Đặc điểm về cấu trúc - chức năng: Tuần hoàn não do bốn động mạch lớn đảm bảo, đó là hai động mạch cảnh trong (phải và trái) và hai động mạch đốt sống (phải và trái). Cả bốn động mạch đều phân phối máu cho não vì không có nhánh bên nào lớn cả.

Ở tuần hoàn não có nhiều mạch nối giữa các động mạch, trong đó quan trọng là:

- Hệ thống nối giữa động mạch cảnh trong và động mạch đốt sống với động mạch cảnh ngoài, đó là:

+ Mạch nối trước nối động mạch mắt là nhánh của động mạch cảnh trong với các nhánh xương sàng của động mạch hàm trong là nhánh của động mạch cảnh ngoài. Khi có huyết khối của động mạch cảnh trong, mạch nối này sẽ là đường bảo vệ cho não chống lại sự thiếu máu.
+ Mạch nối sau nối các nhánh cơ của động mạch đốt sống với các nhánh của động mạch chẩm (nhánh của động mạch cảnh ngoài). Mạch nối này ít quan trọng so với mạch nối trước.

- Đa giác Willis là hệ thống nối độc đáo, duy nhất trong cơ thể, nối các động mạch lớn với nhau ở não. Các động mạch cấu tạo nên đa giác Willis có đường kính và hình dáng rất khác nhau ở mỗi người. Các động mạch não lớn đều xuất phát từ đa giác Willis.

- Hệ thống nối ở vỏ não: Khi đến não và vỏ não, các động mạch nối chằng chịt với nhau.

Các hệ thống mạch nối ở não là một cơ chế tự bảo vệ cho não tránh các tai biến gây thiếu máu ở những vùng có mạch nối.

Áp suất máu não: Do tuần hoàn não nằm cao hơn tim, nên áp suất máu não thường được coi là bằng huyết áp trung bình của động mạch hệ đại tuần hoàn, áp suất này đạt trị số khoảng 83 - 85 mmHg, có thay đổi theo tư thế cơ thể và có trị số thấp nhất khi đứng.

Lưu lượng máu não: Lưu lượng máu não rất ổn định, ít thay đổi trên cùng một người và không thay đổi khi tim thay đổi hoạt động cũng như ở các trạng thái khác nhau của cơ thể. Bình thường lưu lượng máu não khoảng 700 - 750 ml/phút, bằng 14 - 15% lưu lượng tim. Nguyên nhân của hiện tượng ổn định lưu lượng máu não là do tuần hoàn não nằm trong hộp sọ cứng và mô não thì rất mềm, dễ bị tổn thương, nên cần có các cơ chế điều hoà để luôn ổn định lượng máu lên não, tránh tăng áp lực hoặc giảm áp lực nội sọ.

Mức tiêu thụ oxy của não: Não tiêu thụ khoảng 18% tổng số oxy của toàn bộ cơ thể. Trong 18% này thì 95% là để nuôi các nơron, còn 5% là để nuôi các tế bào đệm. Não có khả năng dự trữ oxy rất kém, có bao nhiêu oxy dùng hết bấy nhiêu, vì thế cần phải cung cấp cho não một lượng máu không đổi.

● Điều hoà lưu lượng máu não

Lưu lượng máu não phụ thuộc vào mức chuyển hoá của mô não. Trong đó các yếu tố quan trọng là nồng độ CO2, hydro, O2. Ngoài ra, lưu lượng máu não còn chịu sự điều hoà của yếu tố thần kinh và một số yếu tố khác.

Vai trò của nồng độ khí CO2 hay ion hydro:

Bình thường phân áp CO2 ở máu não xấp xỉ 40 mmHg. Khi nồng độ khí CO2 tăng lên trong máu não, các mạch não sẽ giãn ra, làm tăng lưu lượng máu não.

Cơ chế của hiện tượng tăng nồng độ khí CO2 gây giãn mạch não là: Khi nồng độ khí CO2 tăng lên trong mô não, nó kết hợp với H2O để tạo thành acid H2CO3 nhờ enzym xúc tác là carbonic anhydrase (CA).


Chính ion hydro này gây giãn mạch não. Mức độ giãn mạch não tỷ lệ thuận với nồng độ ion hydro ở não. Ngoài ra bất cứ chất nào làm tăng độ acid của mô não đều gây giãn mạch, làm tăng lưu lượng máu não, ví dụ acid lactic, acid pyruvic, là những acid được hình thành trong quá trình chuyển hoá ở não.

Vai trò của nồng độ oxy: Khi nồng độ oxy trong máu não giảm, các mạch não giãn ra, làm tăng lưu lượng máu lên não.

Cơ chế của hiện tượng giãn mạch não do giảm nồng độ oxy là:

- Khi nồng độ oxy giảm trong máu não thì cũng giảm trong mô não, kích thích mô não giải phóng các chất gây giãn mạch. Chất gây giãn mạch mạnh nhất là adenosin, ngoài ra còn có các chất khác là ion hydro, ion kali, CO2, bradykinin, prostaglandin.
- Khi nồng độ oxy giảm trong máu não làm tế bào thành mạch bị thiếu oxy, do đó thiếu năng lượng, nên trương lực thành mạch giảm, mạch giãn ra.

Sự tự điều hoà lưu lượng máu não (Hiệu ứng Bayliss): Nếu tim đưa máu lên não nhiều thì các mạch não co lại, làm máu lên não ít hơn, ngược lại nếu tim đưa máu lên não ít thì các mạch não giãn ra, làm máu lên não nhiều hơn. Đây là một phản xạ thần kinh điều hoà vận mạch não mà bộ phận nhận cảm là các receptor nhận cảm áp suất nằm ở xoang động mạch cảnh, nơi xuất phát của động mạch cảnh trong.

Cần chú ý rằng khi huyết áp động mạch trung bình dưới 70 mmHg hoặc trên 140 mmHg thì lưu lượng máu não sẽ rối loạn do mất hiệu ứng Bayliss. Mặt khác, khi thành mạch bị xơ cứng thì hiệu ứng Bayliss cũng không hoạt động được, lưu lượng máu não sẽ rối loạn.

Nếu huyết áp cao phối hợp với thành mạch xơ cứng thì nguy cơ tai biến mạch não tăng 10%.

Vai trò của hệ thần kinh tự chủ: Vai trò của hệ thần kinh tự chủ trong điều hoà lưu lượng máu não ít quan trọng, vì gây hiệu quả không đáng kể. Kích thích dây thần kinh giao cảm gây co các mạch lớn ở não, nhưng không gây co các mạch nhỏ. Kích thích dây thần kinh phó giao cảm gây giãn nhẹ các mạch não.