►Giới thiệu chung nhóm máu và truyền máu
►Hệ thống nhóm máu ABO
● Các kháng nguyên A và B
● Các kháng thể của hệ thống ABO
● Ứng dụng của nhóm máu
Những hiểu biết về nhóm máu đã được áp dụng rộng rãi trong lâm sàng ở các lĩnh vực sau:
Truyền máu
- Nguyên tắc truyền máu: Để đảm bảo an toàn trong truyền máu phải truyền cùng nhóm máu để tránh kháng nguyên và kháng thể tương ứng gặp nhau do vậy cần truyền máu nhóm A cho người nhóm A, truyền máu AB cho người nhóm AB…
- Tai biến truyền máu: Truyền máu không hoà hợp, ví dụ truyền máu nhóm A, B hoặc AB cho người nhóm O; truyền máu nhóm B cho người nhóm A… có thể gây ra các tai biến cho người được truyền máu. Trong vòng hai giờ đầu bệnh nhân bị đau dữ dội ở thắt lưng, khó thở, vã mồ hôi, rét run, nôn hoặc buồn nôn, tụt huyết áp, trụy mạch. Tuỳ theo số lượng máu được truyền vào, các biến chứng nặng hơn bao gồm tổn thương thận, tim, phổi, gan và não dẫn đến tử vong sau vài ngày.
- Cơ chế của tai biến truyền máu: Người nhận nhóm O có kháng thể anti-A. Nếu nhận máu của người nhóm A thì các kháng thể anti-A này sẽ gây ngưng kết hồng cầu người cho ngay trong mạch máu của người nhận và phá huỷ những hồng cầu này. Sự phá huỷ hồng cầu giải phóng các protein màng, các lipid màng và hemoglobin vào mao mạch. Các protein màng có thể gây đông máu rải rác trong mạch máu với những hậu quả nặng nề trong khi hemoglobin có thể gây tắc mạch, gây sốc nặng hoặc suy thận. Tuy nhiên, sự ngưng kết hồng cầu rộng rãi chỉ xảy ra khi có phản ứng giữa hồng cầu người cho với kháng thể người nhận nên về mặt lý thuyết những người nhóm AB không có kháng thể anti-A và anti-B trong huyết tương có thể nhận được máu của các nhóm máu O, A và B. Trước đây người ta gọi nhóm AB là nhóm “nhận phổ thông”. Nhóm O không có kháng nguyên A và B trên màng hồng cầu nên có thể cho được các nhóm khác và gọi là nhóm “cho phổ thông”. Ngày nay khái niệm “cho phổ thông” và “nhận phổ thông” đã bị loại bỏ do sự có mặt của những kháng nguyên thuộc các hệ thống nhóm máu khác ngoài kháng nguyên A và B trên màng hồng cầu và những kháng thể khác chống hồng cầu trong huyết tương. Ví dụ 85% người da trắng có kháng nguyên D (yếu tố Rh trên màng hồng cầu). Tuy nhiên trong những trường hợp cấp cứu mà người cần truyền máu lại có nhóm máu thuộc loại hiếm, khi đó bắt buộc phải truyền máu khác nhóm thì phải tuân theo nguyên tắc “kháng nguyên người cho không bị ngưng kết bởi kháng thể người nhận” và chỉ được truyền ít, truyền từ từ.
- Hiện nay ở Việt Nam cũng như ở nhiều nước trên thế giới, nhu cầu máu là rất lớn trong khi sự cung cấp chỉ có hạn, một phần do số người cho máu quá ít, một phần do sự không hoà hợp giữa máu người cho và máu người nhận. Để khắc phục tình trạng này, người ta thay thế việc truyền máu toàn phần bằng truyền máu từng phần. Máu được tách ra thành các thành phần riêng rẽ như hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu, huyết tương và các sản phẩm của huyết tương như albumin, immunoglobulin, các yếu tố đông máu, các yếu tố chống đông. Như vậy một đơn vị máu có thể truyền cho nhiều bệnh nhân với những nhu cầu khác nhau và cũng hạn chế được các tai biến truyền máu. Ví dụ truyền hồng cầu rửa cho bệnh nhân thiếu máu, truyền huyết tương cho bệnh nhân bị bỏng, truyền tiểu cầu cho bệnh nhân bị xuất huyết giảm tiểu cầu, truyền yếu tố VIII cho bệnh nhân bị hemophilia A. Truyền máu toàn phần chỉ được chỉ định khi mất máu cấp tính với một khối lượng lớn(30% lượng máu toàn phần) dẫn tới tình trạng choáng nặng.
Ghép cơ quan
- Các kháng nguyên của nhóm ABO có ở nhiều nơi trong cơ thể kể cả trên màng nội mô của các mạch máu thận. Nếu ghép thận của người nhóm A cho người nhóm O thì các kháng thể anti-A của người nhận sẽ cố định trên các kháng nguyên A của thận ghép và lập tức gây thải ghép.
Trong sản khoa
- Khi có sự không hoà hợp giữa máu mẹ và máu con, ví dụ mẹ nhóm máu O có trong huyết tương kháng thể miễn dịch anti-A và mang thai nhóm A. Các kháng thể miễn dịch anti-A có thể qua được nhau thai để vào tuần hoàn thai nhi gây ngưng kết và vỡ hồng cầu của thai. Hậu quả là đứa trẻ bị vàng da vài giờ sau khi sinh. Nhìn chung mức độ vàng da thường nhẹ và có thể điều trị bằng quang liệu pháp mà không cần truyền máu thay thế.
● Cách xác định nhóm máu
►Hệ thống nhóm máu Rh |