►Cấu trúc và chức năng của tiểu cầu
Tiểu cầu là những mảnh tế bào không có nhân, hình đĩa, đường kính khoảng 2 đến 4mm, có màng bao bọc. Bên trong tiểu cầu có nhiều ống siêu vi tạo thành một khung xương duy trì hình dáng tiểu cầu. Một hệ thống ống nhỏ do màng tiểu cầu luồn vào bên trong tạo thành. Hệ thống này giúp cho sự trao đổi của tiểu cầu với môi trường bên ngoài. Trong bào tương của tiểu cầu có:
- Những di tích của mạng nội bào tương và bộ máy Golgi có khả năng tổng hợp nhiều enzym và dự trữ một lượng lớn ion calci.
- Ty thể và hệ thống enzym tạo ra ATP, ADP, serotonin.
- Hệ thống enzym tổng hợp prostaglandin, đó là thromboxan A2 (một chất gây co mạch) và prostaglandin H2 (một chất gây kết tụ tiểu cầu).
- Một protein co (trombosthenin) có vai trò trong sự co cục máu đông.
- Yếu tố ổn định fibrin.
- Yếu tố tăng trưởng của tiểu cầu làm tăng sinh và phát triển tế bào nội mạc, tế bào cơ trơn của thành mạch, các nguyên bào xơ… để sửa chữa thành mạch.
Trên bề mặt của màng tiểu cầu có một lớp glycoprotein. Lớp này ngăn cản tiểu cầu kết dính vào nội mạc bình thường nhưng lại cho phép tiểu cầu dính vào các sợi collagen ở lớp dưới nội mạc bộc lộ ra khi thành mạch bị tổn thương. Màng tiểu cầu chứa phospholipid trong đó có yếu tố III của tiểu cầu có vai trò hoạt hoá quá trình đông máu.
Như vậy, tiểu cầu là một cấu trúc rất hoạt động và có vai trò quan trọng trong qúa trình cầm máu. Số lượng tiểu cầu bình thường trong máu ngoại vi dao động trong khoảng 150,0 G/l đến 300,0 G/l.
Nam: 263,0 ± 61,0 G/l .
Nữ: 274,0 ± 63,0 G/l.
Đời sống của tiểu cầu vào khoảng 1 đến 2 tuần. Nếu không bị tiêu thụ trong quá trình đông máu, tiểu cầu sẽ bị các đại thực bào tiêu hoá và phá huỷ ở gan và lách.
►Quá trình sinh tiểu cầu
|